Những câu đối khắc ở một số đình chùa đền miếu nhỏ trong thủ đô Hà Nội
Câu đối ở Quốc Tử Giám:
Đông Tây Nam Bắc do tự đạo
Công, Khanh, Phu, Sĩ xuất thử đồ
Câu đối khắc ở chùa Bối Khê huyện Thanh Oai:
Bắc quốc chí kim kinh nộ vũ (Nước phương Bắc (Trung Quốc) cho đến nay còn sợ cơn mưa (bão) giận)
Nam bang tự cổ vọng tường vân (Nước Nam nhỏ (Việt Nam) tự xưa vẫn trông ngóng mây lành)
Vế đầu câu đối nhắc đến lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước khi bị xâm lược, nhân dân ta đã quyết tâm làm nên những chiến thắng Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa mà cho nay họ vẫn còn thấy kinh sợ. Vế thứ hai nêu lên tinh thần của nhân dân nước Nam ta vốn từ xưa vẫn có, chỉ mong ngóng mây lành cho cuộc sống hòa bình, hữu nghị).
Câu đối ở Miếu Trung Liệt – gò Đống Đa:
Câu đối này tưởng nhớ Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và các anh hùng nghĩa liệt:
Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa (Đó thành quách, đó giang sơn, trăm trận phong trần còn thước đất)
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên (Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh)
Câu đối khắc ở chùa Lạc Lâm – Quốc Oai – Hà Tây cũ:
Danh lợi thị trường thanh tịnh tồn tâm siêu xuất tục
Chiến tranh thời đại từ bi bất sát độ quần sinh
Câu đối Đức Ông tại chùa Thiên Phức (Còn gọi là chùa Bộc) ở Khương Thượng Đống Đa:
Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ (Bụi trần trong động không còn, non sông đất nước lưu rường cột)
Quang trung hóa phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân (Ánh sáng hóa thành phật cõi tiểu thiên thế giới chuyển gió mây)
Có tài liệu nói vua Quang Trung được thờ ở chùa Bộc, tượng Đức Ông chính là tượng Quang Trung, nhưng để tránh trả thù của nhà Nguyễn nên tượng và câu đối không dám đề rõ
Câu đối khắc ở chùa Cả – Nam Định.
Vân tại sơn đầu, bộ đáo sơn đầu, vân hựu viễn (Mây phủ đầu non, bước tới đầu non, mây chẳng có)
Nguyệt trầm thủy để, lao cùng thủy để, nguyệt hoàn không (Trăng chìm đáy nước, mò sâu đáy nước, trăng là không)
Câu đối này văn cảnh đã hay, nội hàm lại rất rộng. Câu đối phá chấp triệt để, lại muốn lý giải “Tánh Không”, cũng lại phảng phất Kinh Lăng Già. Thấy mây trùm đỉnh núi quá đẹp, tưởng đâu cảnh đẹp ấy có thật, quyết hăm hở đi cho đến đỉnh núi để xem mây. Nhưng đến đỉnh núi rồi, mây ở đây không có mà lại ở xa hơn. Nhìn trăng chiếu mặt nước, tưởng trăng nằm dưới đáy nước, nhảy xuống mò lặn hòng lấy được trăng, nhưng làm gì có trăng thật mà hòng lấy? Chớ thấy vạn hữu sum la như vậy mà chấp lầm vạn hữu “có thật như nó đang là”. Chỉ có người mê vọng mới chấp lầm như vậy, chứ người trí, người đã hiểu Đạo thì tránh được chấp lầm mê này.
Những câu đối trong các chùa chiền ở thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên.
Câu đối khắc ở chùa Diệu Đức – Huế:
Đăng minh phạm vũ hồi tam giới
Nguyệt lãng thiền quan phổ thập phương
Câu đối khắc ở chùa Thiên Tôn – Huế:
Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy (Tiếng mõ vang dài, trước cửa không ngừng dòng suối biếc)
Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn (Pháp thân một lối, trong phòng cứ vậy ngắm non xanh)
Câu đối khắc ở tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ:
Hằng hà sa giới Nam vô Phật
Bác nhã kinh văn Cực lạc Thiên
Câu đối ở chùa Trường Xuân – Thuận Hóa:
Ngọc chất giáng Hoàng cung, thổ thủy cửu long tề mộc dục
Kim thân tu Tuyết lĩnh, hàm hoa bách điểu cạnh triều tham
Từ câu đối này ta có thể giảng lại toàn thể lịch sử Đức Phật từ khi đản sinh đến khi thành đạo
Câu đối khắc ở chùa làng La Chử:
Viễn quan sơn hữu sắc
Cận thính thủy vô thanh
Câu đối diễn tả cảnh thực: xa xa về phía tây và phía nam là hình thế núi non hiện ra rất nhiều màu sắc, màu đất của đồi núi thấp ở gần; màu xanh đậm cây lá của núi ở xa, màu xanh dương đậm của những chỏm núí ở xa hơn và cao hơn. Lại thêm màu xanh da trời, màu trắng của từng đám mây xa, cao lơ lững… Cảnh đẹp thực khó tả. Bên sau vườn chùa rộng rải, ở dưới chân vùng đất cao có ngôi chùa tọa lạc ấy, lại có dòng nước chảy. Dòng nước nhỏ ôm bọc lấy cuộc đất, nước chảy thường xuyên nhưng lại không nghe tiếng róc rách. Câu đối vận dụng cảnh thực tế, và qua cảnh thực tế của một ngôi chùa mà nói lên bao nhiêu là giáo pháp của Đạo Phật. Các khái niệm “hữu, vô, thanh, sắc” ở đây không bao hàm nội dung có thiên hướng đòi lý giải; mà chúng chỉ cùng ứng với toàn bộ mười chữ của hai vế đối để nói lên cái ở sau văn tự, tức là lối diễn tả “ý tại ngôn ngoại”. Ở đây là muốn diễn tả Thiền đạo, thấy được cái không thấy. Ở xa thì núi có sắc tướng như vậy; nhiều màu khác nhau, hình thù cao thấp uốn lượn khác nhau; tròn, nhọn, lài lài khác nhau; nhưng núi đâu có phải thế! Cho nên người tu đạo Thiền, thấy được cái mà thiên hạ không thấy, tức là cái thực chất của núi; cao hơn là cái Thực của Đạo, của Giải thoát… Nghe được cái không nghe. Nghe tiếng nước róc rách là cái nghe vọng động. Nghe cái không nghe được mới thật là biết nghe.
Những câu đối khắc ở chùa Phước Hậu tỉnh Vĩnh Long.
Phước từ trước như bể cả sông sâu, thỏ lội ngập đầu, voi đi ướt đít
Hậu về sau tợ đường dài đất rộng, cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi
Hai chữ đầu hai vế là Phước – Hậu. Đây là câu đối làm riêng cho chùa này, trong đó có thỏ, voi, cò rồi chó, lại còn ướt đít, ngay đuôi. Thật là thoải mái, vô chấp. Ý tác giả muốn lấy những ngôn ngữ thường nhật của Phật tử, là những người dân chân đất để thêm gần gũi, hòa quang đồng trần…
Câu đối khắc ở chùa Giác Lâm thành phố Hồ Chí Minh.
Hoà thượng Trần Bửu Hương có tặng chùa Giác Lâm đôi câu đối như sau:
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái (Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái)
齊齊齋齊齊戒齊齊齋戒 Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới (Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới)
Đôi câu đối này cũng có thể dịch là: “Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy” và “Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh”. Theo các nhà nghiên cứu thì đôi câu đối này có xuất xứ từ chùa Thanh Vân (nay đã hoang tàn) ở thị trấn Xuân Loan, miền thượng du sông Mạc Dương bên Trung Quốc, nguyên bản như sau:
朝朝朝朝拜朝朝朝拜酬帝泽 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái thù đế trạch (Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy trả ơn vua)
齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒答神恩 Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới đáp thần ân (Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh đáp X thần)
Ngoài ra tại đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Mi Châu, tình Phúc Kiến, cũng có hai câu gần tương tự:
朝潮朝潮朝朝潮朝朝潮音 Triêu triều, triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều âm
齊齊齊齊齊齊齊齊齊齊戒 Tề trai, tề trai, tề tề trai, tề tề trai giới
Ở đây, chữ triều 朝 thay cho triều 潮 là thủy triều (chứ không phải chầu lạy) và nghĩa của hai câu là: Thủy triều buổi sáng, thủy triều buổi sáng, thủy triều các buổi sáng, tiếng thủy triều các buổi sáng; Đều chay, đều chay, đều đều chay, đều đều chay tịnh. Ý là: “Triều khởi giới âm” 潮起戒音, tức hễ tiếng sóng triều đánh vào bờ thì mọi người đều im lặng. Tương truyền hai câu này là của Thám hoa Đái Đại Tân đời Minh.
Có một dị bản khác của đôi câu đối trên nhưng vế trên lại đảo xuống vế dưới, xin đưa cả vào để độc giả nghiên cứu:
齊齊齋齊齊戒齊齋齊戒佛恩廣大 Tề tề trai, tề tề giới, tề trai tề giới, Phật ân quảng đại (Đều đều chay, đều đều tịnh, đều chay đều tịnh, ơn Phật rộng lớn)
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜功德無量 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triều triêu bái, công đức vô lượng (Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng chầu sáng lạy, công đức không lường)
Đây là hai câu đối của chùa Phong Ninh ở thị trấn Thạch Loan, tỉnh Quảng Đông và cặp đối này cũng có hai chữ cuối câu (đại, lượng) thuộc vần trắc.
Câu đối khắc ở chùa Nhạn Sơn – Bình Định.
Ngoan thạch điểm đầu, thạch khả vi nhân, nhân tác Phật (Đá rắn gật đầu, đá hẳn là người, người làm Phật)
Nhạn sơn hồi thủ, sơn khai chánh pháp, pháp truyền nhân (Non nhạn hướng lễ, non mở chánh pháp, pháp truyền người)
Câu đối khắc ở chùa Hội Khánh – Sông Bé.
Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động (Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần vẫn tạnh)
Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải để thủy vô ngần (Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, sóng biển không nhồi)